Ở phần 1 sau khi chúng ta đã cùng tìm hiểu thông tin về khái niệm dây tín hiệu và cách phân loại thì hôm nay ở phần 2, HD Audio sẽ tiếp tục chia sẻ tới bạn đọc thông tin chi tiết về cấu tạo của dây tín hiệu. Các bạn cùng theo dõi nhé.
Ở bài viết trước chúng ta đã biết dây tín hiệu (Interconnect) trong âm thanh có nhiệm vụ chuyển tải các tín hiệu mức thấp (thường từ vài milivolt đến vài volt) giữa các thiết bị nguồn (đầu đĩa than, đầu CD, tuner, đầu băng) với DAC, preampli và giữa preampli tới ampli công suất. Do đó để có thể thực hiện chức năng của mình một cách tốt nhất thì cấu tạo của các dây tín hiệu AV là vô cùng quan trọng.
Vậy cấu tạo của dây tín hiệu ra sao?
Cũng giống như dây loa, dây tín hiệu âm thanh cũng có cấu tạo gồm 3 phần đó là sợi dẫn, điện môi (chất cách điện) và đầu cắm. Sợi dẫn có tác dụng truyền tín hiệu, điện môi là lớp chất cách điện bọc quanh các sợi dẫn và vỏ ngoài; còn đầu cắm là đầu nối giữa dây và thiết bị âm thanh.
Những thành phần này tập hợp với nhau tạo thành cấu trúc vật lý gọi là cấu hình dây. Mỗi thành phần đều có ảnh hưởng tới đặc tính âm thanh của dây.
Trên thị trường hiện nay, cấu tạo của dây dẫn được làm từ rất nhiều chất liệu khác nhau. Thế nên có sự phân biệt dây tín hiệu âm thanh cao cấp với dây tín hiệu âm thanh thường.
Chi tiết về các thành phần trong cấu tạo của dây dẫn tín hiệu
- Sợi dẫn
Sợi dây dẫn thường được làm bằng đồng (Cu) hoặc bạc (Ag). Người ta thường sử dụng đồng (Cu) để giúp cho lõi dây dẫn truyền ổn định (vì đồng ít bị oxi hóa). Trong khi đó, bạc ít bị oxi hóa hơn đồng và dẫn điện nhỉnh hơn đồng nhưng lại ít được sử dụng vì giá thành đắt.
Trong các dây dẫn cao cấp, độ tinh khiết của đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Hợp kim đồng đôi khi chứa một lượng đồng nguyên chất và một phần tạp chất. Ví dụ, một sợi dẫn có 99,997% đồng nguyên chất, tức là nó chứa 0.03% hợp chất khác (có thể là sắt, sunfua, nhôm…). Nhiều người cho rằng đồng càng tinh khiết, âm thanh càng hay. Khi chế tạo dây đồng OFC, người ta đã loại bỏ phần lớn thành phần oxy, hay nói chính xác hơn là được rút bớt đi hợp kim đồng vì thực ra, không thể loại bỏ hoàn toàn oxy ra khỏi đồng. Như vậy đồng sẽ đỡ bị oxy hoá, đảm bảo cho lõi dây giữ được khả năng truyền dẫn ổn định.
Một chất liệu phổ biến khác dùng để chế tạo lõi dây là bạc. Dây làm từ bạc thường đắt hơn dây đồng, nhưng bạc cũng có ưu điểm của mình. Mặc dù tính dẫn điện của bạc chỉ cao hơn đồng chút xíu, nhưng bạc ít bị oxy hoá hơn đồng.
- Điện môi
Điện môi là lớp chất cách điện bọc xung quanh vỏ ngoài và các sợi dây dẫn. Chất điện môi gây nhiều ảnh hưởng đến âm thanh của dây dẫn. Tùy mỗi chất mà sự ảnh hưởng này sẽ khác nhau.
Chất điện môi này có hiện tượng hấp thụ năng lượng. Khi xảy ra hiện tượng này, chất lượng tín hiệu truyền đi của dây sẽ bị kém đi.
Một số đơn vị sản xuất dây tín hiệu bình dân, giá rẻ sẽ sử dụng nhựa rẻ tiền để làm chất điện môi. Những dây dẫn tốt hơn thì sẽ sử dụng polyethylen hay teflon.
- Đầu cắm
Đầu cắm là đầu nối các thiết bị âm thanh với dây, là một phần của dây dẫn tín hiệu. Nói một cách khác, dây âm thanh tốt phụ thuộc nhiều vào đầu cắm.
Một số điểm cần lưu ý về đầu cắm:
> Đầu cắm tốt sẽ cho khả năng tiếp xúc chặt
> Để tăng độ cứng, đầu cắm được làm bằng đồng (Cu) pha với thau. Để tránh bị oxi hóa, hợp kim thau (đồng Cu + kẽm Zn) sẽ được mạ bằng niken, rồi sau đó mạ vàng.
Cấu hình dây dẫn
Bên cạnh cấu tạo cũng như chất liệu dây dẫn thì cấu hình dây dẫn là một trong những yếu tố rất quan trọng của dây tín hiệu âm thanh. Cách sắp xếp các chất dẫn điện, chất cách điện và đầu cắm trong dây sẽ tạo nên cấu hình dây dẫn. Đối với một số công ty, cấu hình dây dẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc thiết kế dây, hơn cả chất liệu của chất dẫn điện và kiểu dáng dây.
Hầu hết các nhà thiết kế dây đều đồng ý rằng sư tương tác giữa các sợi dẫn hay còn gọi là hiệu ứng mặt ngoài (skin effect) là nguyên nhân chính làm giảm đi chất lượng âm thanh của dây. Một dây dẫn có hiệu ứng mặt ngoài cao thì tín hiệu tần số cao sẽ di chuyển nhiều ở phía bề mặt của dây và ít đi dần ở phần giữa của dây. Hiện tượng này xảy ra trong cả chất dẫn điện sử dụng dây cứng hoặc nhiều dây nhỏ tạo thành. Hiệu ứng mặt ngoài làm thay đổi đặc tính của dây ở những độ sâu khác nhau và điều này làm ảnh hưởng đến các tần số khác nhau của tín hiệu âm thanh. Âm thanh tạo ra bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng mặt ngoài sẽ mất đi độ chi tiết, độ thóang ở quãng tám cao nhất và độ sâu của màn âm thanh.
Với các sợi dẫn, người ta thường gộp nhiều sợi dẫn vào với nhau theo một trật tự tự do để giữ điện trở R ở mức thấp và lõi dây đủ lớn.
Thông số kỹ thuật của dây dẫn
Khi mua dây tín hiệu âm thanh bạn cũng cần phải lưu ý đến 3 thông số kỹ thuật có liên quan đến dây đó là: điện dung, độ tự cảm và trở kháng. Trong đó:
Điện trở của dây, thường được gọi là điện trở dòng điện một chiều, là sự đo lường mức độ cản trở dòng điện đi qua dây. Đơn vị đo của điện trở là ohm. Ohm càng thấp thì sự cản trở dòng điện của dây càng thấp.
Âm thanh của dây có thể bị ảnh hưởng bởi độ tự cảm của dây. Độ tự cảm của dây càng thấp thì càng tốt, đặc biệt là ở trong dây loa.
Điện dung là một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến dây tín hiệu, đặc biệt là khi cần phải chạy dây tín hiệu dài hoặc là khi thiết bị nguồn có trở kháng đầu ra cao. Điện dung của dây tín hiệu được đo bằng số picofarads/foot (1foot = 0,3048m).
( Còn tiếp...)
----------------
Xem thêm: Bí kíp chọn mua dây tín hiệu hay cho hệ thống âm thanh (Phần 1)