Nhiều người cho rằng soundcard là một thiết bị giải mã âm thanh trên máy tính, tuy nhiên nếu như vậy thì DAC cũng là một thiết bị giải mã từ Digital sang Analog. Như vậy Soundcard và DAC có khác nhau không và chọn thiết bị giải mã nào cho phù hợp với nhu cầu của bạn?
Soundcard là gì?
Thông thường cụm từ soundcard là từ chỉ chung tất cả các thiết bị có khả năng giải mã âm thanh cho máy tính. Ngoài ra trong pro-audio cũng có một vài thiết bị được gọi là soundcard nhưng phục vụ chủ yếu cho mục đích công việc chứ không phải nghe nhạc.
Vì khái niệm soundcard khá mông lung nên được phân chia theo hai cách khác nhau. Sound Card có thể là dạng tích hợp trên mainboard hay còn gọi là Sound Card Onboard hoặc là dạng cắm rời thông qua các cổng gọi là Sound Card rời. Dù nó tồn tại ở bất kỳ dạng nào thì thiết bị này đều gồm có 3 thành phần chính đó là: ADC, DSP và DAC.
Trong đó:
- ADC: Analog to Digital Converter, chuyển đổi tín hiệu âm thanh analog sang tín hiệu kỹ thuật số
- DSP: Digital Sound Processor, bộ xử lý âm thanh số
- DAC: Digital to Analog Converter, chuyển đổi tín hiệu âm thanh kỹ thuật số sang tín hiệu analog.
DAC và Soundcard khác nhau như thế nào?
Thực tế thì DAC là viết tắt của Digital to Analog Converter và cũng là một dạng soundcard, tuy nhiên nhiều người hay tách DAC và Soundcard riêng vì cho rằng DAC là một thiết bị chuyên để giải mã âm thanh còn Soundcard thì đa dụng hơn và chất lượng âm thanh không bằng so với DAC.
- DAC (D/A Converter) là một thiết bị hoặc một bộ chip IC giải mã tín hiệu nhạc số từ nguồn phát thành tín hiệu điện xoay chiều Analog có thể ‘nghe’ được. Tín hiệu Analog xuất ra từ DAC sẽ qua một thiết bị/ mạch khuếch đại để các bạn có thể nghe được bằng loa hoặc tai nghe.
Thông thường khi nói đến DAC người ta thường ám chỉ đến USB-DAC thiết bị mà các bạn cắm qua cổng USB để giải mã âm thanh. Các bạn cũng có thể thấy đầu vào tín hiệu ngoài DAC cũng có thể các cổng như Coaxial, Optical, AES, Ethernet và đầu output thường là RCA và XLR. Nếu trường hợp có cổng tai nghe hoặc cọc loa thì bên trong thiết bị cũng đã có một mạch amply tích hợp.
Thông thường DAC sẽ giải mã chỉ 2 kênh (L,R) stereo trong trường hợp có nhiều kênh hơn thì sản phẩm sẽ được gọi là multi-channel DAC, Sound Processor hay Receiver.
- Soundcard theo nhiều người thì ngoài tích hợp DAC thì còn nhiều tính năng hơn như mạch Microphone Pre-amp, A-D (Analog to Digital Converter), độ trễ thấp để monitor âm thanh theo thời gian thật, các bộ DSP và có thể có nhiều kênh (channel) trong một thiết bị. Nhiều người cũng hay nói soundcard là các thiết bị gắn PCI-E trên máy tính để giải mã âm thanh thì thiết bị này sẽ có một lợi điểm đó là độ trễ thấp hơn so với USB. Tuy nhiên khả năng bị nhiễu, noise cao hơn do chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nhiễu xung của phần nguồn PSU cũng như nhiễu từ sóng EMI/RFI từ các thiết bị thu phát Bluetooth/WiFi trong máy.
Trên thực tế, việc chọn DAC hay Soundcard sẽ phục thuộc vào nhu cầu và kiến thức của người dùng. Nếu các bạn chỉ muốn nghe nhạc và không có nhu cầu chỉnh sửa, thu âm thì chỉ cần một chiếc DAC thuần với chất âm phù hợp là hoàn toàn hợp lý. Và thường thì cùng một tầm giá phổ thông thì DAC consumer sẽ có chất âm dễ nghe hơn các pro soundcard nhưng độ trễ latency cao hơn.
Nếu các bạn muốn tập thu âm, DJ, mixing, master và ‘Hello các Streamer đến với trải nghiệm… âm thanh’ thì tốt nhất các bạn nên sử dụng một thiết bị soundcard (interface) phù hợp với nhu cầu làm việc.
Trên đây là bài viết giải thích về khái niệm soundcard là gì cũng như những kiến thức liên quan đến soundcard và bộ giải mã DAC. Mong rằng với những thông tin mà HD Audio chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm thật nhiều thông tin bổ ích. Hẹn gặp lại các bạn vào các bài viết sau nhé!
--------------------
Xem thêm: Xem ngay bài viết nếu bạn thắc mắc “có nên mua DAC để hát karaoke hay không?"